DI TÍCH GIẾNG CỒN – LÀNG HÀO KIỆT, XÃ VĨNH THÀNH.
25/01/2024
Lượt xem: 363
Tương truyền:
Giếng Cồn có từ khi hình thành nên làng Hào Kiệt, ước khoảng
vào thế kỷ 16-17, là nguồn nước ăn chủ yếu của hai xóm Trung Thành và Văn Điển.
Nơi đây ngày xưa có đền và chùa nên còn gọi là giếng Chùa. Nước giếng Cồn lấy từ
lạch nước nhỏ chảy từ Lèn Vĩnh (tên chữ là Văn Sơn), chảy qua Rộc Lèn, Rộc
Dưng, Rộc Trảy, dùng để nấu nước chè rất ngon, đặc biệt là rượu nấu bằng nước
giếng Cồn ngon nổi tiếng trong vùng. Về phong thủy, dải đất Trung Thành, Đông
Thành như chiếc thuyền rồng, có bánh lái, có cánh buồm. Mũi thuyền là khu vực
giếng Cồn, và là một huyệt đạo trong Ngũ hành của Làng Hào Kiệt. Giếng Cồn tượng
trưng cho mắt rồng, phía Tây tiếp giáp với sông Điển và đường 33 cũ, trước đây
gọi là Đường Quan, một tuyến giao thông quan trọng trong Kháng chiến chống Mỹ cứu
nước. Sau vụ máy bay Pháp bắn phá chợ Điển tháng 8 năm 1949, chợ Điển chuyển
vào họp ở khu vực Giếng Cồn. Ở đây có trường học, bảng tin, là nơi tổ chức các
hoạt động chính trị, văn hóa của Làng như: mít tinh, biểu diễn tuồng trò. Đêm
trăng gió mát, trai thanh gái tú thường tập trung xung quanh Giếng Cồn để tình
tự, hát hò rất vui vẻ. Đây còn là điểm dừng chân hành quân và là nơi gặp gỡ giao lưu, tiếp sức của đoàn viên thanh niên Làng với bộ đội ta trên đường vào các chiến trường chống Mỹ.
Giếng Cồn đã trải qua nhiều lần sửa sang. Năm 1963 dân làng
xây thêm giếng tròn nhỏ, Giếng Cồn cũ trở thành Vụng Lóng. Năm 2023, cùng với
việc xây mới, tu bổ, phục dựng các công trình chuẩn bị Lễ đón nhận Bằng Di tích
lịch sử văn hóa cấp quốc gia cho Đền Làng Hào Kiệt, được sự phát tâm công đức của
gia đình ông Trần Hữu Thái và bà con trong xóm Trung Thành, Giếng Cồn được tu sửa,
chỉnh trang trở thành một điểm văn hóa- tâm linh đẹp mắt chào mừng Đại lễ hội
năm 2024 của Làng Hào Kiệt".
Nguồn:Facebook Dương Nguyễn ( đăng ngày 17/1/2024)